10+ tác dụng của trà gừng và cách pha trà gừng mật ong cực đơn giản

04/08/2024
Trà gừng là thức uống quen thuộc với nhiều công dụng cho sức khỏe như chống viêm, chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, kích thích và cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ làm giảm đau

1 Tác dụng của trà gừng

Trà gừng là thức uống phổ biến với nhiều công dụng cho sức khỏe. Một số hợp chất có hoạt tính của gừng được chứng minh có tác dụng sinh học bao gồm:

  • Gingerol có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư thông qua việc gây ra apoptosis và điều chỉnh hoạt động di truyền, chống viêm và giảm đau, kháng khuẩn và bảo vệ gan.
  • Paradol: Có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư và kháng khuẩn.
  • Shogaol: Chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư thông qua ức chế xâm lấn tế bào, giảm biểu hiện ma trận metalloproteinase-9 và hoạt động chống tăng sinh.
  • Zingerone: Chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn.
  • 1-Dehydro-10-gingerdione: Điều hòa các gen gây viêm.
  • Flavonoid gừng: Hoạt động chống oxy hóa.

Dưới đây là một số công dụng của trà gừng đối với cơ thể:

Trà gừng và công dụng đối với sức khỏe
Trà gừng và công dụng đối với sức khỏe

1.1 Chống viêm

Viêm là một cơ chế phản ứng miễn dịch quan trọng đối với tổn thương và có thể được trung gian thông qua interleukin-1 (IL-1), yếu tố hoại tử khối u (TNF) và cytokine chống viêm.

Gừng được chứng minh có tác dụng chống viêm trong nhiều nghiên cứu khác nhau nhờ thành phần có chứa các hợp chất như 6-shogaol, gingerol và 8-shogaol. Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng, gừng có thể làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Cơ chế chống viêm của gừng có thể đến từ việc giảm làm sản xuất các yếu tố gây viêm bao gồm cytokin gây viêm và prostaglandin E2.

Trong một nghiên cứu, người ta đã chứng minh được rằng, những phụ nữ bị béo phì và bị ung thư vú khi sử dụng các sản phẩm có chứa gừng đã cho thấy làm giảm tình trạng viêm cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đặc biệt tốt cho cho bệnh nhân ung thư cũng như ngăn ngừa ung thư.

Nhờ tác dụng chống viêm mà gừng cũng làm giảm các triệu chứng của cảm cúm như hắt hơi, sổ mũi.

1.2 Ngăn ngừa ung thư

Các hợp chất hoạt tính của gừng đã được chứng minh là có thể kiểm soát sự phát triển của khối u thông qua việc điều chỉnh các gen ức chế khối u, gây ra quá trình apoptosis và bất hoạt tín hiệu VEGF. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 6-gingerol có khả năng ức chế quá trình tăng sinh quá mức và các quá trình viêm dẫn đến ung thư, hình thành mạch máu và di căn.

Gừng đặc biệt được phát hiện có hiệu quả chống lại nhiều loại ung thư Đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư gan, ung thư trực tràng và ung thư đường mật.

Ngăn ngừa ung thư
Ngăn ngừa ung thư

1.3 Chống oxy hóa

Gừng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp chống lại căng thẳng oxy hóa, là nguyên nhân gây nên sự tổn thương tế bào. Ngoài ra, căng thẳng oxy hóa còn làm giảm các enzym chống oxy hóa và gây viêm trong cơ thể từ đó làm cho tế bào bị lão hóa.

Căng thẳng oxy hóa kéo dài có thể gây ra các bệnh lý mạn tính như ung thư, tiểu đường, bệnh Alzheimer và một số bệnh lý khác. Các chất chống oxy hóa trong trà gừng giúp trung hòa các gốc tự do có hại từ đó giúp ngăn ngừa bệnh tật.

1.4 Kích thích và cải thiện tiêu hóa

Gừng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng về tác dụng cải thiện tiêu hóa như làm giảm các triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy, đau dạ dày.

Một nghiên cứu liên quan đến những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) đã cho thấy sự kết hợp giữa việc bổ sung gừng với việc thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng viêm, cải thiện tình trạng bệnh.

Ngoài ra, trà gừng còn được biết đến với tác dụng làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn trong thời gian mang thai. Một đánh giá có hệ thống về các nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng, gừng còn làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn do hóa trị liệu gây ra.

1.5 Cải thiện sức khỏe tim mạch

Cholesterol cao và tăng huyết áp là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim và đột quỵ.

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng, việc sử dụng gừng có tác dụng làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân lớn tuổi đồng thời làm giảm mỡ máu.

Ngoài ra, một đánh giá có hệ thống cho thấy bổ sung gừng có hiệu quả làm giảm triglyceride ở những người béo phì và tiểu đường, và liều cao hơn làm giảm đáng kể tổng lượng cholesterol.

1.6 Hỗ trợ làm giảm đau

Y học cổ truyền thường thêm gừng vào các bài thuốc làm giảm đau bụng kinh. Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy, gừng còn có tác dụng làm giảm các cơn đau nửa đầu cho người bệnh. Gừng có tác dụng giảm đau. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tiêu thụ gừng có thể giúp điều trị đau cơ và đau nhức do tập thể dục. Gừng cũng đã được chứng minh là có tác dụng điều trị cơn đau do chấn thương và bệnh mãn tính.

Trà gừng còn có tác dụng làm giảm Đau Bụng Kinh ở phụ nữ thông qua việc thúc đẩy quá trình lưu thông máu của cơ thể và giảm viêm. Bên cạnh đó, gừng còn được chứng minh có tác dụng làm giãn cơ, giảm căng thẳng các cơ ở tử cung từ đó góp phần vào việc giảm đau bụng kinh.

1.7 Giảm lượng đường trong máu

Trà gừng giúp giảm lượng đường trong máu
Trà gừng giúp giảm lượng đường trong máu

Trong một số nghiên cứu, gừng được chứng minh có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu ở những bệnh nhân tiểu đường thông qua việc làm tăng độ nhạy của Insulin và thúc đẩy quá trình chuyển hóa Glucose của cơ thể. Do đó, việc uống trà gừng thường xuyên có thể đem lại những lợi ích nhất định đối với những bệnh nhân đái tháo đường.

1.8 Cải thiện chức năng nhận thức

Gừng cũng đã được chứng minh là giúp cải thiện chức năng nhận thức. Một tách trà gừng có thể giúp tăng khả năng tập trung và tăng năng lượng. Y học cổ truyền đã sử dụng gừng trong hàng trăm năm nhằm mục đích cải thiện trí não, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lợi ích về nhận thức của gừng được chứng minh bằng bằng chứng khoa học.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tiêu thụ gừng có thể hỗ trợ cả khả năng chú ý và xử lý nhận thức ở phụ nữ trung niên. Gừng cũng đã được chứng minh là có thể có tác dụng nhất định đối với những bệnh nhân Alzheimer hoặc các bệnh lý liên quan đến thoái hóa thần kinh khác. Bên cạnh đó, gừng thậm chí còn có tác dụng ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, giảm thiểu tổn thương não.

1.9 Giảm các triệu chứng khi bị cúm

Một tách trà gừng có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng khi bị cảm lạnh hoặc khi bị đau họng. Bên cạnh đó, gừng có đặc tính kháng khuẩn có tác dụng ngăn ngừa bệnh lý viêm họng gây ra bởi liên cầu khuẩn. Gừng còn là một vị thuốc được sử dụng để trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.

1.10 Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể

Nhờ đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và cải thiện tiêu hóa mà trà gừng còn được đánh giá có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, giúp chống lại bệnh tật cũng như những tác động xấu của môi trường đối với sức khỏe của con người.

1.11 Ngăn ngừa hôi miệng

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hôi miệng là do hệ tiêu hóa có vấn đề. Việc sử dụng trà gừng giúp làm dịu dạ dày, cải thiện các triệu chứng ợ hơi, giảm hôi miệng đáng kể.

2 Tác hại của trà gừng

Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe thì việc sử dụng quá nhiều trà gừng có thể gây ra một số tác hại bao gồm:

Sử dụng quá nhiều gừng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn đối với tim mạch như làm tăng nhịp tim, gây khó ngủ, tăng huyết áp.

Đối với phụ nữ mang thai, sử dụng quá nhiều gừng hoặc lạm dụng việc uống trà gừng có thể gây nên tình trạng co thắt tử cung, gây trào ngược acid dạ dày trong thời gian mang thai.

Uống nhiều trà gừng có thể gây ra những tác động bất lợi đối với dạ dày. Gừng là thành phần có tác dụng làm tăng sản xuất dịch mật. Do đó, việc uống trà gừng khi bụng đói có thể gây kích thích dạ dày và gây đau.

Một tác dụng không mong muốn khi sử dụng trà gừng quá nhiều là gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng, khiến cơ thể bị mất nước gây nguy hiểm.

Gừng có đặc tính làm chậm quá trình đông máu do đó ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Gừng có thể gây giảm huyết áp, loạn nhịp tim, tăng tiết acid mật do đó có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.

3 Cách làm trà gừng đơn giản, tốt cho sức khỏe

Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm trà gừng được bào chế sẵn thành từng gói trà gừng mà bạn có thể mua và sử dụng. Tuy nhiên, cách làm trà gừng cũng tương đối đơn giản, bạn có thể tự làm tại nhà bằng những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm. Dưới đây là một số công thức trà gừng vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

3.1 Cách pha trà gừng mật ong

Trà gừng mật ong
Trà gừng mật ong

Nguyên liệu:

  • Trà túi lọc.
  • Mật ong.
  • Gừng.
  • Nước lọc.

Tiến hành:

  • Gừng có thể cạo bỏ vỏ hoặc không, rửa sạch thì đem thái thành từng sợi nhỏ. Đun trên bếp cùng với 500ml nước, khi nước sôi lăn tăn và chuyển màu là được.
  • Đổ nước đun gừng qua rây để loại bỏ bã gừng.
  • Pha 1 gói trà túi lọc bằng nước gừng vừa đun sôi.
  • Thêm 1-2 thìa Mật Ong tùy theo sở thích, khuấy đều và thưởng thức.
  • Trà gừng mật ong có hương vị thơm ngon, độ ngọt vừa phải rất thích hợp để uống sau khi ăn nhằm cải thiện tiêu hóa hoặc khi thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể.

3.2 Cách làm trà chanh gừng

Trà chanh gừng
Trà chanh gừng

Một số nguyên liệu bạn cần chuẩn bị trước khi làm món trà chanh gừng:

  • Một nửa củ gừng.
  • Nửa quả chanh.
  • Đường hoặc mật ong tùy theo sở thích.
  • 300ml nước lọc.

Các bước thực hiện chi tiết:

  • Gừng rửa sạch, cắt thành từng khúc và đập dập. Có thể thái thành từng sợi.
  • Cho gừng lên bếp, thêm 300ml nước vào nồi. Đun gừng với nước cho đến khi sôi. Tắt bếp.
  • Khi nước nguội bớt thì thêm đường hoặc mật ong vào khuấy cho tan.
  • Thêm nước cốt chanh và thưởng thức.

Cần lưu ý không cho nước cốt chanh vào trà khi nước đang nóng vì có thể làm cho trà bị đắng. Có thể thêm đá vào uống tùy theo sở thích.

Ngoài việc sử dụng gừng tươi, bạn có thể sử dụng bột trà gừng để pha trà gừng, với dạng bào chế này sẽ thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng.

4 Lưu ý khi uống trà gừng

Như đã đề cập, trà gừng có thể gây ra một số những tác dụng bất lợi khi sử dụng quá nhiều. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Không sử dụng quá nhiều trà gừng trong một ngày, liều lượng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo là dưới 4g/ngày. Với liều cao hơn, trà gừng có thể làm nặng thêm các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, phản ứng dị ứng, chảy máu kéo dài từ trước, ức chế hệ thần kinh trung ương và loạn nhịp tim.

Không sử dụng trà gừng trong các trường hợp sốt nóng, bệnh nhân đang tăng huyết áp.

Những người đang gặp bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa thì cần ăn nhẹ trước khi uống trà gừng.

Không nên sử dụng trà gừng cho trẻ dưới 5 tuổi để đảm bảo an toàn.

5 Một số câu hỏi thường gặp

5.1 Nên uống trà gừng trước khi đi ngủ không?

Buổi tối không nên uống trà gừng vì cả 2 thành phần này đều có thể gây kích thích khó ngủ.

5.2 Uống trà gừng khi nào?

Trà gừng có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, đối với những người bệnh đang gặp bệnh lý liên quan đến dạ dày thì không nên uống trà gừng lúc đói. Bạn có thể uống trà gừng vào buổi sáng để giúp tỉnh táo, nạp năng lượng cho ngày dài hoặc uống trà gừng sau mỗi bữa ăn để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng hơn, giảm các triệu chứng của đầy hơi, khó tiêu.

5.3 Ai không nên uống trà gừng?

Một số đối tượng sau đây không nên sử dụng trà gừng để đảm bảo an toàn bao gồm:

Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng khi sử dụng gừng có thể gây kích ứng niêm mạc khiến cho các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Như đã đề cập, gừng có thể làm chậm quá trình đông máu do đó những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng trà gừng.

Trà gừng có thể làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng có lợi thì gừng có thể làm co bóp tử cung gây nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai. Do đó, không nên sử dụng trà gừng quá nhiều.

Gừng có vị cay, tính ấm do đó không nên sử dụng cho những người đang bị bệnh gan.

Không sử dụng trà gừng khi đang bị sốt cao, chỉ sử dụng trong trường hợp cảm lạnh, cảm cúm nhằm giữ ấm cơ thể.

Không nên sử dụng trà gừng cho bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đặc biệt là khi huyết áp đang lên cao. Sử dụng trà gừng trong thời điểm này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

5.4 Uống trà gừng mỗi ngày có tốt không?

Trà gừng có nhiều công dụng đối với sức khỏe, khi sử dụng hàng ngày theo đúng liều lượng khuyến cáo có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện hệ tiêu hóa, chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi những tác động bất lợi.

5.5 Uống trà gừng mỗi ngày có giảm cân không?

Hỗ trợ giảm cân
Hỗ trợ giảm cân

Trà gừng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, có đặc tính lợi tiểu và sinh nhiệt mạnh. Do đó, những người đang trong thời gian giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng có thể sử dụng trà gừng để thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, kích thích cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn.

Để giảm cân bằng trà gừng hiệu quả nhất, bạn có thể uống riêng trà gừng hoặc kết hợp với chanh, Quế,...để tăng tốc độ trao đổi chất.

6 Tài liệu tham khảo

Tác giả Jihee Choi và cộng sự (Ngày đăng năm 2022). Effects of Ginger Intake on Chemotherapy-Induced Nausea and Vomiting: A Systematic Review of Randomized Clinical Trials, MDPI. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.

Tác giả Arshad H Rahmani và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2014). Active ingredients of ginger as potential candidates in the prevention and treatment of diseases via modulation of biological activities, PubMed. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.

Tác giả Sahdeo Prasad và cộng sự (Ngày đăng năm 2015). Ginger and its constituents: role in prevention and treatment of gastrointestinal cancer, PubMed. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.

Tác giả Seng-Kee Chuah và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2011). The effects of ginger on gallbladder motility in healthy male humans, PubMed. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2024.

 
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Để tải về, bạn cần đăng nhập với tư cách thành viên của site. Nếu chưa có tài khoản, bạn có thể đăng ký bằng cách click vào đây
global block catalogs
sdf ádf

sdf ádf

sdf ádf

sdf a 16
ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay271
  • Tháng hiện tại8,177
  • Tổng lượt truy cập49,881
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây